CÂU LẠC BỘ LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG CHỨNG KHOÁN - KHOA KINH TẾ - LUẬT - ĐHQG.TPHCM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÂU LẠC BỘ LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG CHỨNG KHOÁN - KHOA KINH TẾ - LUẬT - ĐHQG.TPHCM

Câu lạc bộ luật tài chính ngân hàng chứng khoán - Khoa kinh tế -luật- đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
 
Trang ChínhPortalLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» luật ngân hàng VS. Tài chính ngân hàng
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeTue Jul 29, 2014 9:16 am by Pham Minh Tan

» hellu moi nguoi
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeMon Aug 22, 2011 9:38 am by troublemakerhjh

» Những điểm mới của luật tố tụng hành chính 2010!
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeFri May 13, 2011 1:53 pm by Pham Minh Tan

» Giup e voi!!!!please
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeWed Feb 09, 2011 3:29 pm by goldheart

» Công ước khung về thay đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeTue Sep 21, 2010 8:04 pm by Linhprince

» Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Ký tại Washington D.C tháng 3-1973
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeTue Sep 21, 2010 8:03 pm by Linhprince

» Công ước viên về bảo vệ tầng ôzôn
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeTue Sep 21, 2010 8:02 pm by Linhprince

» Công ước về đa dạng sinh học
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeTue Sep 21, 2010 8:02 pm by Linhprince

» nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng Công ước Basel, về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải (tiếp)
Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeTue Sep 21, 2010 8:01 pm by Linhprince

Tin Tức Pháp Luật

quanlymoitruongBáo thanh niên
quanlymoitruongUỷ ban chứng khoán nhà nước
quanlymoitruongTất cả văn bản pháp luật
quanlymoitruongLớp luật kinh doanh khoá 05
quanlymoitruongKhoa kinh tế - luật - ĐHQG.TPHCM
quanlymoitruongcảm xúc chưa đặt tên
quanlymoitruongcâu chuyện Valen...
quanlymoitruongchỉ có 1 cuộc điện
quanlymoitruongchiếc khăn tay
quanlymoitruongdanh ngôn tình yêu
quanlymoitruongduyên nợ
quanlymoitruongiu người chưa hề biết
quanlymoitruongKhi nào ấy nhớ đây
quanlymoitruonglàm sao cho ai kia hiểu
quanlymoitruonglời khuyên tình yêu
quanlymoitruonglời hẹn ước
quanlymoitruongmat tinh yeu
quanlymoitruongmón quà giáng sinh
quanlymoitruongmưa bằng lăng
quanlymoitruongmưa tình bạn
quanlymoitruongngày anh nói i love u
quanlymoitruongngày nhớ đêm mong
quanlymoitruongnhìn kìa anh iu
quanlymoitruongnơi đâu là...?
quanlymoitruongtâm lý bạn trai
quanlymoitruongtâm lý bạn gái
quanlymoitruongTấm cám 1
quanlymoitruongTấm cám 2
quanlymoitruongThơ tình
quanlymoitruongthông điệp tình yêu
quanlymoitruongthư tình
quanlymoitruongtìm kiếm tình yêu
quanlymoitruongtình yêu không lời
quanlymoitruongtình yêu tuổi mới lớn
quanlymoitruongtình yêu
quanlymoitruongtrong tình yêu


Tin Tức Chứng Khoán
  • Bảng giao dịch trực truyến HASTC
  • Hỗ Trợ Trực Tuyến
    Admin
    Chát với admin
    lienhe Liên Hệ

     
    Hỗ trợ kỹ thuật 1
    lienhe
    Hỗ trợ kỹ thuật 2
     Hỗ trợ kỹ thuật 2

    lienheHỗ trợ kỹ thuật 3   
     
    Hỗ trợ kỹ thuật 3
    lienheHỗ trợ kỹ thuật 4
     
    Hỗ trợ kỹ thuật 4
    Số lần truy cập

    visitor analysis


     

     Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam

    Go down 
    Tác giảThông điệp
    Linhprince

    Linhprince


    Tổng số bài gửi : 50
    Join date : 20/09/2010
    Age : 36
    Đến từ : Ha Noi

    Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam Empty
    Bài gửiTiêu đề: Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam   Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam I_icon_minitimeMon Sep 20, 2010 9:33 pm

    ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 2 /2004

    Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam

    BÙI NGỌC SƠN
    Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

    Thực hiện cam kết của mình trong Hiến pháp, Việt Nam đang tiến hành những nỗ lực để xây dựng một nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là một mô hình tổ chức quyền lực nhà nước đề cao vai trò pháp luật. Khác với một nhà nước phi pháp quyền, nhà nước pháp quyền đặt pháp luật lên trên nhà nước và xã hội. Với mục tiêu giới hạn chính quyền và bảo vệ con người, Nhà nước đề cao sự kiểm soát của pháp luật đối với công quyền và cả công dân. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền sở dĩ có thể giới hạn được chính quyền và ngự trị trong đời sống xã hội là vì pháp luật đó có những tiêu chí tiến bộ, khác với pháp luật trong các nhà nước không phải là nhà nước pháp quyền. Một khi đã chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền, Việt Nam cần phải xây dựng được một hệ thống pháp luật phù hợp với những tiêu chí đó. Đây là một vấn đề khó khăn. Vì rằng, Việt Nam đang vận dụng học thuyết về nhà nước pháp quyền - một học thuyết của phương Tây được hình thành trong xã hội công nghiệp, vào một xã hội phương Đông vốn có truyền thống nông nghiệp. Xưa nay, các giá trị Đông, Tây không dễ dàng dung hợp được với nhau.
    Để xây dựng được một hệ thống pháp luật đáp ứng được những đòi hỏi của nhà nước pháp quyền, chúng ta có nhiều việc phải làm. Nhưng dưới góc nhìn của sự tương tác các giá trị Đông, Tây có thể thấy rằng một việc làm khá quan trọng là phải vạch ra sự tác động của các yếu tố truyền thống dân tộc đến sự tạo dựng một hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền.
    1. Truyền thống di sản và di căn:
    “Truyền thống” được hiểu như là một hệ thống các tính cách, các thế ứng xử của một cộng đồng, được hình thành trong lịch sử, trong một môi trường sinh thái và nhân văn nhất định, nó trường tồn nhưng không vĩnh cửu, có thể được định chế hóa bằng luật hay bằng lệ (phong tục, tập quán) và được trao chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác- có thể gọi là di truyền văn hóa để đảm bảo tính đồng nhất của một cộng đồng1.
    Nói đến truyền thống Việt Nam là nói đến truyền thống làng xã vì rằng đại đa số của cộng đồng người Việt Nam là nông dân sinh sống ở nông thôn làm nghề nông nghiệp lúa nước trong các làng xã.
    Người Việt Nam từ ngàn xưa đã sống, lao động và chiến đấu trong một cơ cấu xóm làng cổ truyền rất bền chặt. Nguồn gốc và nền tảng của cơ cấu xóm làng đó là công xã nông thôn thuộc loại hình Á châu mà đặc trưng cơ bản của nó là chế độ sở hữu ruộng đất công xã, sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với thủ công nghiệp, giữa quan hệ láng giềng với quan hệ huyết thống, quyền tự trị công xã2. Làng xã Việt Nam được bảo tồn lâu dài trong lịch sử dân tộc, là trung tâm của mọi sinh hoạt văn hóa dân gian. Làng xã là nơi nuôi dưỡng và bảo tồn những truyền thống dân tộc.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: Việt Nam có những truyền thống tốt và cả những truyền thống xấu3. Truyền thống tốt là những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, mặc dù nảy sinh trong thời gian lịch sử đã qua, nhưng hiện nay vẫn còn phù hợp với chuẩn mực của đời sống xã hội mà con người đang sống và có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Còn truyền thống xấu là những gì trong văn hoá dân tộc, lạc hậu lỗi thời không phù hợp gây cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của dân tộc4. Truyền thống tốt và truyền thống xấu - hai mặt mâu thuẫn này tồn tại đan xen vào nhau, chồng chéo lên nhau, gây những tác động đa chiều, đa diện đến đời sống xã hội. Đối với truyền thống phải có sự đánh giá theo quan điểm phát triển, biện chứng, không lý tưởng hóa cũng như không phủ nhận hoàn toàn truyền thống.
    “Tín nhi hiếu cổ” là tâm thức chung của người phương Đông thích quay về ngắm nghía những thành tựu huy hoàng của quá khứ. Chúng ta tự hào với những giá trị truyền thống của dân tộc mà những nhà khoa học đã chỉ ra như yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa5. Nhưng trước thách thức của thời đại mới, chúng ta không thể chỉ nhốt mình trong tháp ngà của truyền thống huy hoàng, mà còn thừa nhận những nhược điểm của truyền thống. Giáo sư Trần Quốc Vượng đề nghị “cho phép chính thức vạch ra những mặt bất cập của căn tính và tâm thức tiểu nông Việt Nam trước thách thức của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá”6. Đúng là cần phải phê phán một cách sắc sảo và tỉnh táo thói tôn sùng cái cũ một cách thiếu chọn lọc, phê phán những thói hư tật xấu của người Việt Nam để khuyến khích cái mới lành mạnh, rèn luyện con người mới với những đức tính mới rất cần cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa7.
    Việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp diễn ra trong một thế hệ và mọi người có rất ít thời gian để điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình cho phù hợp. Do đó, những căn tính tiểu nông vẫn còn ăn ăn sâu vào trong tâm thức của con người Việt Nam hiện đại. Những nhược điểm trong truyền thống của con người Việt Nam cổ truyền đang ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam hiện đại. Dưới góc độ luật học, tôi nhận thấy rằng việc tạo dựng một hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền không thể tránh khỏi những trở lực từ sự tác động của truyền thống. Tôi rất đồng ý rằng pháp luật cần phải bảo lưu những truyền thống tốt của dân tộc. Cũng đã có những nghiên cứu về vấn đề này8. Ở đây, chúng tôi không có ý định bàn thêm. Nhưng thiết nghĩ rằng cần phải đặt vấn đề một cách đa tuyến. Truyền thống có những thứ có thể bảo lưu được trong pháp luật thì cũng có những thứ gây ra những hiệu ứng nghịch khi tác động với những đòi hỏi về một hệ thống pháp luật tiến bộ theo định hướng của nhà nước pháp quyền.
    2. Sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam - một góc nhìn:
    - Quan niệm Pháp luật chỉ là công cụ của công quyền và sự phản chiếu trong pháp luật.
    Nhà nước pháp quyền sinh ra để chống lại sự lạm quyền của công quyền để bảo vệ con người. Do đó, nhà nước pháp quyền yêu cầu công quyền phải được giới hạn trong pháp luật. Như vậy, đối với một nhà nước pháp quyền thì pháp luật không chỉ là công cụ của nhà nước để cai trị nhân dân mà pháp luật, đúng như cách quan niệm của PGS-TS Nguyễn Đăng Dung “phải là công cụ của công lý. Theo quan điểm của tôi không có những yêu cầu riêng cho pháp luật công lý, mà công lý chính là bản thân vốn có của pháp luật”9. Chính vì pháp luật là công cụ của công lý nên pháp luật mới có thể là công cụ để giới hạn chính quyền để bảo vệ các quyền tự do của con người. Pháp luật công cụ để người dân sử dụng bảo vệ mình, chống lại sự lạm quyền của các quan chức nhà nước. Chính vì pháp luật là pháp luật tự nhiên, xuất phát từ quyền tự nhiên vốn có của con người pháp luật mới đóng được vai trò kiểm soát chính quyền và bảo vệ con người trong nhà nước pháp quyền. Như vậy có thể khái quát rằng pháp luật trong nhà nước pháp quyền là công cụ công lý nằm trong tay người dân, và do đó nó đứng trên nhà nước để kiểm soát nhà nước. Đây chính là tiêu chí của pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Để xây dựng một hệ thống pháp luật theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải hướng tới một hệ thống pháp luật có tiêu chí như vậy. Nhưng điều này đối với Việt Nam sẽ vấp phải những khó khăn từ truyền thống.
    Trong khi thuật ngữ “ pháp luật” trong nhiều ngôn ngữ phương Tây gần với chữ “công lý” thì ở phương Đông lại gần với chữ “hình phạt”. Về mặt ngôn ngữ học, trong tiếng Trung Quốc cổ, chữ “pháp” có chữ “thủy”và chữ “giải”. Bằng phẳng như mặt nước nên gọi là “thủy”. “Giải” là một loại thú giống như trâu có một sừng. Khi thi hành bản án thì con vật này húc vào kẻ phạm tội. “Pháp” như vậy có nghĩa là hình phạt. Kinh Thư viết “Dân Miêu không dùng lẽ phải, đặt ra hình phạt, có năm ngược hình, gọi là pháp”10. Theo đó ta biết rằng “pháp” là hình phạt, dùng loài thú một sừng để thi hành án. Theo nhà khảo cứu triết học người Trung Quốc – Hồ Thích, thì có lẽ ngày xưa có hai chữ “pháp”. Ngoài chữ “pháp” như trên ra còn một chữ nữa viết khác có nghĩa là khuôn mẫu, mô phạm11. Về sau này, tư tưởng về “pháp” (pháp luật) có được phát triển bởi những tên tuổi như Khổng Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử… Khi đó pháp luật được hiểu là khuôn mẫu của hành vi trong xã hội, nhưng vẫn mang tính chất là hình phạt- hình phạt được áp dụng phổ biến.
    Các nhà lập pháp của các nhà nước cổ truyền Việt Nam chịu ảnh hưởng của quan niệm của Trung Quốc về pháp luật, nên về cơ bản pháp luật chỉ được quan niệm là hình phạt, là công cụ trong tay nhà nước để cai trị người dân. Minh chứng rõ ràng nhất là các bộ luật của các nhà nước phong kiến Việt Nam thường có tên kem theo chữ “hình”: chẳng hạn: Hình thư, Quốc triều hình luật, Lê triều hình luật… Trong các bộ luật như thế dù có điều chỉnh về những quan hệ dân sự nhưng vẫn kèm theo chế tài hình sự. Về cơ bản các bộ luật của các nhà nước cổ truyền Việt Nam là những bộ luật hình sự .
    Cả một chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan niệm pháp luật như là hình phạt để cai trị dân chúng. Với một khoảng thời gian dài như vậy đủ để tạo nên một truyền thống - một truyền thống coi pháp luật chỉ là công cụ của công quyền. Một truyền thống được tạo dựng trong cả nghìn năm không dễ dàng mất đi trong xã hội hiện đại. Hơn nữa các quan niệm truyền thống về pháp luật với tư cách là công cụ của công quyền trong tư duy của những người xây dựng pháp luật một lần nữa lại được củng cố hơn trong xã hội hiện đại khi trong thời kì trước đây chúng ta quá đề cao tính giai cấp của pháp luật.
    Cách quan niệm pháp luật chỉ là công cụ để nhà nước cai trị người dân rất không phù hợp với yêu cầu của hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, không nên nhấn mạnh pháp luật chỉ là công cụ để cai trị của nhà nước mà phải coi pháp luật là công cụ để kiểm soát nhà nước. Như một sự phản ánh di căn của truyền thống, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đại tuy rằng không phải chỉ là hình phạt nhưng dường như vẫn được thiết kế theo cách là công cụ của nhà nước, mà chưa thực sự hướng về phía lợi ích của người dân. Biểu hiện của điều này là trước đây trong thời bao cấp, gần như thiếu vắng các văn bản luật cần thiết cho đời sống dân sự. Trong khi đó các đạo luật được ban hành trong thời bao cấp chủ yếu tập trung vào việc tổ chức bộ máy nhà nước. Bước vào thời kì đổi mới, tình hình có khác hơn: các văn bản luật về đời sống người dân đã được ban hành như Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, các luật về đầu tư …
    Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cách quan niệm pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước. Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đời sống của người dân thiếu tính khả thi vì mang tính chủ quan của nhà nước. Rất nhiều quy định của Bộ luật dân sự không được sử dụng bởi vì những quy định này chưa thật sự phản ánh được lợi ích của người dân mà chỉ được ban hành theo ý chí chủ quan của nhà nước. Luật thương mại cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Luật phá sản doanh nghiệp vẫn là một thứ hàng “xa xỉ phẩm” đối với doanh nhân.
    Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến mối quan hệ nhà nước và cá nhân đã đặt nhà nước trước cá nhân, trong khi yêu cầu của nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân là sự ưu tiên của cá nhân so với nhà nước. Điều này phản ánh lối tư duy coi pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước. Xin bắt đầu từ một đạo luật cơ bản của một quốc gia.
    Hiến pháp Việt Nam hiện hành có một chương riêng quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân. Hiến pháp thể hiện quan niệm quyền công dân xuất phát từ nhân quyền: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50).
    Nếu như các quyền con người thể hiện ở quyền công dân thì quyền công dân phải là những quyền vốn có của con người mà nhà nước phải thừa nhận vì quyền con người là những quyền tự nhiên vốn có của con người. Đọc các quy định của Hiến pháp của chúng ta về dân quyền có thể có cảm tưởng rằng dân quyền không phải là quyền vốn có do Tạo hóa ban cho con người với tư cách là con người mà do Nhà nước ban cho người dân. Quy định về công dân thì phải đặt công dân ở vị trí chủ thể. Nhưng nhiều quy định về dân quyền trong Hiến pháp Việt Nam hiện hành đa phần là đặt nhà nước ở vị trí chủ thể, còn công dân thì như là đối tượng được ban cho quyền chứ không phải được thừa nhận quyền.
    Cùng với Hiến pháp, các văn bản pháp luật về luật hành chính cũng thể hiện lối tư duy về nhà nước, đặt nhà nước trước cá nhân. Một báo cáo của Bộ Tư pháp đã đánh giá: “Nói chung, thể chế hành chính trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân chưa thực sự hướng vào phục vụ nhân dân, chưa đáp ứng được yêu cầu khuyến khích, hướng dẫn hỗ trợ cho dân làm chủ, đồng thời chưa thể hiện một cách đầy đủ chức năng phục vụ cho dân, chưa thực sự là dịch vụ công đối với nhân dân”12. Tính chất vì nhà nước của pháp luật cũng thể hiện ở chỗ chúng ta vẫn đang tập trung vào các văn bản nhà nước, quản lý nhà nước, mà nhiều khi xây dựng theo tinh thần kế hoạch hóa. Tư duy kế hoạch không chỉ phản ánh trong kinh tế mà còn cả trong việc xây dựng pháp luật. Mỗi một lần bầu cử là một lần sửa đổi luật về bầu cử, luật về các cơ quan dân cử. Cải cách Hiến pháp của chúng ta vừa rồi chủ yếu tập trung vào bộ máy nhà nước trong khi nhiều quy định về dân quyền đã tỏ ra bất cập thì không được sửa đổi. Theo sau Hiến pháp là hàng loạt những luật về tổ chức nhà nước: Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án, Luật tổ chức Viện kiểm sát, rồi gần đây nhất là Luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Hoàn thiện cơ sở pháp lý của tổ chức nhà nước là điều rất tốt nếu điều này lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu. Nhưng với lối tư duy pháp luật là công cụ của công quyền, những đạo luật về tổ chức nhà nước chịu sự chi phối rất nặng của ý thức “quyền anh quyền tôi”: ai nhiều quyền hơn ai đôi khi được quan tâm nhiều hơn là lợi ích của người dân nằm ở chỗ nào.
    Các đạo luật về công quyền thì như vậy, còn nhiều văn bản pháp luật về quyền lợi của người dân đang thực sự cần thiết thì chưa được ban hành, chẳng hạn Luật về cạnh tranh và chống độc quyền, Luật trưng cầu dân ý hoặc những văn bản về đời sống dân sự, kinh doanh của người dân đã tỏ ra nhiều bất cập nhưng vẫn chưa sửa đổi như: Bộ Luật dân sự, Luật thương mại, Luật phá sản doanh nghiệp, các Luật khuyến khích đầu tư …
    Để xây dựng được một hệ thống pháp luật đáp ứng được nhu cầu của nhà nước pháp quyền, cần phải khắc phục cách nhìn nhận của truyền thống coi pháp luật chỉ là công cụ của công quyền, mà phải xây dựng hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải hướng về việc tạo dựng xã hội công dân, là công cụ trong tay người dân để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
    Một hệ thống pháp luật hướng tới nhà nước pháp quyền, là công cụ của người dân đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi: các quy định của Hiến pháp về các quyền của công dân, Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật phá sản doanh nghiệp, các Luật khuyến khích đầu tư, Luật khiếu nại tố cáo; ban hành các luật mới: Luật cạnh tranh và chống độc quyền, Luật trưng cầu dân ý, Luật về luật sư… để phục vụ cho nền kinh tế thị trường và phát triển xã hội công dân.
    - Ý thức cộng đồng và sự phản chiếu trong pháp luật.
    Nền kinh tế phương Tây thời nguyên thủy là nền kinh tế du mục. Đặc điểm của nền kinh tế du mục là nó có thể thể tiến hành dựa trên lao động cá nhân hay một đơn vị gia đình. Điều này là cơ sở kinh tế cho sự hình thành ý thức cá nhân. Dù sau này phương Tây có phát triển đến nền kinh tế thương nghiệp, công nghiệp, hậu công nghiệp… nhưng tính chất của nền kinh tế thương nghiệp vẫn ảnh hưởng đến tâm thức của người phương Tây hiện đại. Đây là một nét đặc thù của văn hóa phương Tây. Một nhà thơ Nga- Brodxki nhận định “phương Tây sản sinh ra nền văn hóa có tính cá nhân”13.
    Cái tôi cá nhân của người có mầm mống từ thời Hy Lạp cổ đại. Nó phôi thai trên những quốc gia thành bang trên bờ Địa Trung Hải, nơi có sự phát triển đặc biệt của nền kinh tế thương nghiệp. Tuy nhiên, phải đến thời Phục hưng, với những phát kiến về địa lý, những thị trường của một thế giới khác, ngoài châu Âu, cá nhân mới thực sự ra đời và phát triển mạnh mẽ vào thời kì Lãng mạn. Một hệ quy chiếu mới xuất hiện khiến con người hiểu được mình có giá trị tự thân14. Ý thức cá nhân phát sinh ra những tư tưởng về quyền con người với tư cách là quyền cá nhân cần phải được nhà nước xác lập và bảo đảm được thực hiện bằng quyền lực công. Chính vì có sự phát triển cao về ý thức cá nhân, tư tưởng về pháp quyền tự nhiên đã sớm nảy nở ở phương Tây. Sự phát triển của ý thức cá nhân góp phần hình thành nên quan niệm pháp luật phải ghi nhận và bảo đảm các quyền tự do của cá nhân theo lý thuyết của nhà nước pháp quyền.
    Do sự phát triển của ý thức cá nhân, luật tư đã phát triển rất sớm ở phương Tây. Ý thức cá nhân đã tác động rất lớn đến sự hình thành Luật La Mã thời cổ đại, Bộ luật dân sự nổi tiếng của Napoleon mà nội dung của nó được coi như khuôn mẫu của luật dân sự ở nhiều quốc gia như phương Tây. Sự chăm sóc của các chính quyền phương Tây hiện nay đối với hệ thống luật tư phản ánh ý thức cá nhân trong thời đại hậu công nghiệp.
    Khác với phương Tây, văn hóa Việt Nam là văn hóa nông nghiệp dựa trên nền tảng chủ yếu của kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước. Làm nông nghiệp lúa nước thì mối bận tâm hàng đầu là vấn đề nước. Vấn đề hệ trọng này đòi hỏi sứ mạng của cả cộng đồng, một cá nhân không gánh vác nổi. “Nước lụt thì lút cả làng. Đắp đê phòng lụt thiếp chàng cùng lo”. Do nhu cầu giải quyết vấn đề thủy lợi cho kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, cư dân người Việt đã cố kết thành một cộng đồng rộng lớn. Ban đầu những gia đình tập hợp lại thành làng. Rồi do nhu cầu trị thủy, các làng liên kết lại với nhau tạo thành quan hệ liên làng. Và để điều phối công việc của cộng đồng liên làng rộng lớn thì cần phải ra đời một tổ chức bao trùm lên tất cả. Hình thành nên một quan hệ siêu làng - tức là Nước. Chính điều này là cơ sở quy định ý thức cộng đồng của người Việt Nam.
    Hơn nữa, sự nghiệp đấu tranh vì tồn tại độc lập của dân tộc chống lại chiến tranh xâm lược của các thế lực ngoại bang đã chi phối mạnh mẽ đến tâm lý dân tộc Việt Nam và tâm lý con người Việt Nam15. Đây là đặc điểm quy định tính cách cộng đồng của người Việt.
    Với ý thức cộng đồng, con người Việt Nam ngay cả khi chưa sinh ra, trước hết và chủ yếu là con người cộng đồng, nhỏ như gia đình, dòng họ, phe, phường, hội, giám. Lớn như làng, nước, thậm chí cả thiên hạ. Chỉ với tư cách thành viên của cộng đồng, chứ không phải với tư cách cá nhân, con người mới có chút ít giá trị. Giá trị ấy gắn với vai trò và thang bậc của anh ta trong cộng đồng, trong xã hội. Trong xã hội của người Việt cổ truyền cái tôi làng – xã đã mang tính “phổ quát”, bởi lẽ người Việt hầu hết là thôn dân - những người sống ở thôn quê, kẻ quê. Cái tôi làng xã trước hết gắn với ý thức về mình của tâm linh Việt. Hiện còn để lại những dấu ấn đậm nhạt trong ngôn ngữ. Tiếng mình mà chúng ta thường dùng ngày nay để tự xưng hay chỉ người vợ, chồng của mình hay bạn bè gọi nhau trong những hoàn cảnh thân mật xuất phát từ tiếng cổ là min. Theo từ điển của Paulus Huỳnh Tịnh Của thì min là tên của một loài trâu bò rừng. Đó là con vật đã từng nuôi sống người Việt cổ, rồi trở thành vật tổ của họ. Tự gọi mình là min, từ đồng nhất với con min, người Việt cổ từ xưa đã nêu cao đức hy sinh cá nhân mình cho sự an toàn và thịnh vượng của cộng đồng16.
    Những nhà nghiên cứu về tâm lý học đã nhận định: Người Việt Nam từ khi biết nói cho đến khi trưởng thành ít xưng “tôi”. “Cái tôi của người Việt Nam trong quá khứ chủ yếu vẫn được gửi gắm, phó thác vào “cái ta” và cái mọi người17. Khi Đào hát “người ta đi cấy lấy công, tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề” thì “cái tôi” ở đây là Đào. Khi Mận hát câu đó thì “cái tôi” đó là Mận, Mít, Xoài, Ổi… Những người nghe câu hát này thì cũng cảm thấy mình chính là “cái tôi”. Người Việt cổ truyền không phải muốn khẳng định tính cách cá nhân của mình, mà hàm ý về sự thấp kém, vô nghĩa của cá nhân (tôi tớ - tức là kẻ thuộc hạ), sự lệ thuộc của cá nhân vào cộng đồng.
    Bên cạnh văn hóa làng xã, thì Nho giáo ở Việt Nam cũng góp phần hun đúc ý thức cá nhân. Trong một xã hội mà Nho giáo giữ khuynh hướng chủ đạo, con người bị ràng buộc vào vô khối những sợi dây luân lý. Luân lý cương thường trói buộc con người vào hàng loạt những nghĩa vụ: làm tôi, làm dân, làm con, làm vợ, làm dâu… Con người Nho giáo là con người nghĩa vụ bổn phận.
    Những nghiên cứu tâm lý học dân tộc đã lưu ý: Chúng ta phải thấy rằng tính cộng đồng cao là một nét tâm lý, một nét tính cách của người Việt Nam. Đó là mặt tích cực, song bên cạnh đó nó có nhiều mặt tiêu cực. Nó ức chế sự phát triển cá tính, kìm hãm sự phát triển cá nhân18. Thật vậy, do ý thức cộng đồng, ý thức về quyền cá nhân không được phát triển. Tâm lý cộng đồng lấn áp sự phát triển ý thức cá nhân, quyền lợi tinh thần lẫn vật chất của cá nhân đều bị hạn chế. Trong xã hội cổ truyền của người Việt, do tính cộng đồng, người Việt Nam như hòa tan vào cộng đồng, tan biến vào các quan hệ xã hội.
    Do ý thức cộng đồng, quyền cá nhân không được khuyến khích thay vì nghĩa vụ. Nhấn mạnh đến nghĩa vụ con người, tâm lý cộng đồng đề cao tập thể hơn cá nhân, sự phụ thuộc của cá nhân vào tập thể, sự phục tùng của cá nhân vào cộng đồng.
    Sự phụ thuộc của cá nhân vào cộng đồng, sự hạn chế của ý thức cá nhân được tạo dựng từ truyền thống vẫn còn di ảnh trong xã hội Việt Nam, không giống với quy luật chung của nhiều nước, do sự đề cao của trật tự công cộng hơn quyền lợi cá nhân. Bộ luật hình sự ở Việt Nam đã ra đời trước Bộ luật dân sự cả chục năm. Đến năm 1999 pháp luật hình sự đã được pháp điển hoá lần thứ hai trong khi cho đến nay những bất cập của Bộ luật dân sự năm1995 vẫn chưa được điều chỉnh. Cũng do sự quan tâm đến trật tự cộng đồng Bộ luật hình sự Việt Nam đã coi an ninh quốc gia là khách thể loại đầu tiên được bảo vệ và thiết kế “các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia” tại chương đầu tiên phần Các tội phạm. Điều này là hợp lý, phù hợp với ý thức cộng đồng của người Việt. Khác với các quốc gia phương Tây do có sự phát triển cao của ý thức cá nhân, các tội xâm phạm đến các quyền và tự do cá nhân được quan tâm trước hết.
    Bước vào thời kì đổi mới, chúng ta đã quan tâm đến việc phát triển hệ thống luật tư. Nhưng ý thức cộng đồng cũng phản ánh rất rõ trong các văn bản pháp luật liên quan đến các lợi ích tư nhân. Điển hình nhất là một Chương đặc thù của luật Việt Nam về “quản lý nhà nước” hiện diện bất kể là trong luật công hay luật tư.
    Trong quá trình xây dựng pháp luật với sự chi phối của truyền thống cộng đồng, các nhà xây dựng pháp luật dường như chưa quan tâm thích đáng đến các quyền và tự do của các nhân, mà thường quan tâm đến lợi ích cộng đồng, sự phụ thuộc của cá nhân vào cộng đồng. Chính vì vậy, các luật phục vụ quản lý nhà nước thường được ưu tiên hơn so với các luật liên quan đến lợi ích tư nhân. Các văn bản pháp luật ghi nhận các quyền của công dân nhưng nhiều khi lại thiếu cơ chế thực hiện. Chính vì thiếu một cơ chế hoàn chỉnh nên nhiều khi việc thực hiện các quyền của công dân được pháp luật quy định có nhiều hạn chế. Do sự vướng mắc của cơ chế nên các quyền lợi hợp pháp của công dân nhiều khi bị hạn chế bởi chính công quyền. Nhiều khi công dân thực hiện quyền của mình nhưng lại với tư cách là một người được “ban ơn”. Không hiếm những trường hợp công dân thực hiện quyền được pháp luật quy định cho mình nhưng lại phải qụy lụy khúm núm trước công quyền và nhân viên công quyền vẫn quen thói hách dịch, sách nhiễu công dân. Ai cũng rõ điều này khi thực hiện các quyền hiến định như: xây nhà ở (ví dụ: làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), quyền sở hữu tư liệu hợp pháp (ví dụ đi làm giấy đăng ký xe máy), quyền tự do cư trú (nhập hộ khẩu vào những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn)…
    Để tạo dựng được pháp luật phục vụ người dân trong nhà nước pháp quyền, phải tạo những điều kiện để phát triển ý thức cá nhân. Một khi ý thức cá nhân đã được phát triển thì nhà lập pháp phải hướng các quy định pháp luật về các quyền tự do của con người, của cá nhân, công dân và đến lượt mình công dân cũng phải chủ động thực hiện các quyền của mình, với tư cách là của mình mà nhà nước thừa nhận chứ không phải nhà nước ban cho. Và cũng không phải khúm núm, rụt rè nơi cửa quan khi phải thực hiện các quyền của mình. Công quyền phải có trách nhiệm phục vụ công dân.
    3. Thay lời kết:
    Xây dựng nhà nước pháp quyền, Việt Nam đang trong bối cảnh chuyển hóa một giá trị phương Tây vào một xã hội phương Đông, một giá trị của nền văn minh công nghiệp vào một xã hội vốn có truyền thống nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải vạch ra sự tác động của các nhân tố nội sinh trong xã hội truyền thống của người Việt gây cản trở cho việc thực hiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền có những tố chất riêng. Để xây dựng được một hệ thống pháp luật Việt Nam có đủ tố chất của một hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền cần phải tính đến những khó khăn từ sự tác động của yếu tố truyền thống. Những nghiên cứu ở đây chỉ mới là bước đầu. Hướng nghiên cứu này cần phải được khai thác với độ rộng và sâu hơn.°
    <!--[if !vml]-->



    <!--[endif]-->

    1 Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc và Tạp chí văn hóa nghệ thuật, H, 2000 ,tr. 111.
    2 Phan Huy Lê, Tìm tòi về cội nguồn, tập II, Nxb Thế giới, H.,1999, tr. 828.
    3 Dẫn theo Trần Quốc Vượng, Đổi mới việc nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, in trong Một góc nhìn của trí thức, Nxb Trẻ và Tạp chí Tia sáng, 2001, tr. 83.
    4 Phạm Hữu Dật, Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1999, tr. 220.
    5 Trần Văn Giàu, Tuyển tập, Nxb Giáo dục, 2001, tr. 220.
    6 Trần Quốc Vượng, Đổi mới việc nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, in trong Một góc nhìn của trí thức, Nxb Trẻ và Tạp chí Tia sáng, 2001, tr. 329.
    7 Lê Đăng Doanh, Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ mới, in trong Một góc nhìn của trí thức, Nxb Trẻ và Tạp chí Tia sáng, 2001, tr. 39.
    8 ThS. Nguyễn Quốc Việt, Bảo lưu các giá trị truyền thống trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, in trong Nhà nước và pháp luật Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI, Nxb Công an nhân dân, H, 2002, tr. 71.
    9 Nguyễn Đăng Dung, Một số vấn đề về Hiến pháp và bộ máy nhà nước, Nxb Giao thông vận tải, H, tr. 188.
    10 Kinh thư, Bản dịch của Thẩm Quỳnh, Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1972, tr 421. Phiên âm: “Miêu dân phát dụng linh, chế dĩ hình, duy tác ngũ ngược chi hình, viết: pháp”.
    11 Hồ Thích, Trung Quốc triết học sử đại cương, Bản dịch của Huỳnh Minh Đức, Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 687.
    12 Thông tin khoa học pháp lý - Bộ tư pháp. Chuyên đề “Đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển khung pháp luật Việt Nam đến năm 2010“, số thánng 2 năm 2003, tr. 99.
    13 Văn nghệ số 15-6-1991.
    14 Đỗ Lai Thúy, Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1999, tr 38.
    15 Viện tâm lý học, Tính cộng đồng, tính cá nhân và “cái tôi” của người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002, tr. 131.
    16 Đỗ Lai Thúy, Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1999 tr 41-42 (phải chăng với ý nghĩa như vậy, Việt Nam đã chọn con trâu vàng làm biểu tượng cho SEA Games 22?).
    17 Đỗ Long, Tâm lý học dân tộc- nghiên cứu và thành tựu, Nxb Khoa học xã hội, H, 2001, tr. 191.
    18 Viện tâm lý học, Tính cộng đồng, tính cá nhân và “cái tôi” của người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002, tr. 133.

    Về Đầu Trang Go down
    http://www.vksndtc.gov.vn
     
    Một góc nhìn về sự phản chiếu truyền thống trong pháp luật Việt Nam
    Về Đầu Trang 
    Trang 1 trong tổng số 1 trang
     Similar topics
    -
    » Vấn đề hòa giải trong tố tụng dân sự nhìn từ góc độ kinh tế và luật học
    » Hệ thống pháp luật trên thế giới!
    » ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN
    » Ứng dụng của Luật So sánh trong xây dựng Bộ luật Dân sự Việt Nam
    » NGUYÊN TẮC QUYỀN TỐI CAO VÀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

    Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
    CÂU LẠC BỘ LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG CHỨNG KHOÁN - KHOA KINH TẾ - LUẬT - ĐHQG.TPHCM :: Banking - stock :: Tài liệu của Luật ngân hàng tài chính chứng khoán và luật kinh doanh ,thương mại-
    Chuyển đến